[ĐÁNH GIÁ XE] Ford Ranger Raptor 2019 - Vua bán tải! 6

Khi Ford Ranger Raptor ra mắt thị trường Việt Nam tại triển lãm VMS cuối năm ngoái, sự quan tâm của khách hàng Việt dành cho mẫu "siêu bán tải" này là không hề nhỏ. Nó lớn đến nỗi những khách hàng đầu tiên sẵn sàng chịu "kênh" giá lên tới 150 triệu VNĐ để được nhận xe sớm. Tại thời điểm hiện tại, dù không còn tình trạng kênh giá nhưng mức phí lăn bánh Ranger Raptor 2019 tại Hà Nội vẫn ở mức gần 1,4 tỷ đồng, chênh hơn 400 triệu so với giá lăn bánh Ranger Wildtrak. Đây là một con số không hề nhỏ nếu như bạn cân nhắc rằng đây là 2 phiên bản sử dụng chung động cơ, hộp số, khung gầm.

Trong chuyến hành trình Ford Extraordinary Journey vừa qua tại Quảng Ninh, tôi đã vô cùng bất ngờ khi thấy số lượng xe Ranger Raptor tại vùng đất mỏ. Dù không chủ ý đếm nhưng tôi đã thấy có ít nhất hơn 10 chiếc Raptortrên đường phố Quảng Ninh, một tỷ lệ không hề thấp. Vùng đất vàng đen vốn vẫn nổi tiếng là xứ sở xe gầm cao và xe bán tải nhưng việc Ranger Raptor ở đây "nhiều như lợn con" cũng phần nào cho thấy mức giá cao không ảnh hưởng quá nhiều đến dòng xe bán tải hiệu năng cao này. Vậy, nếu đang băn khoăn giữa Ranger Wildtrak và Ranger Raptor, liệu bạn có nên bỏ ra thêm một số tiền không hề nhỏ để tậu Raptor hay sẽ tiêu hàng trăm triệu đồng đó vào việc nâng cấp chiếc Wildtrak? Bài đánh giá này sẽ cho bạn câu trả lời.

Dự án trong thời gian rảnh

Để hiểu được Ranger Raptor được sinh ra như thế nào, bạn phải đến Mỹ và tìm hiểu sự thành công của mẫu xe F150 Raptor. Phiên bản hiệu suất cao của F150 bắt đầu từ ý tưởng của Jamal Hameedi, Giám đốc kỹ thuật của chi nhánh xe hiệu suất cao Ford Performance, một "fan cuồng" của những cuộc đua xe trên vùng sa mạc rộng lớn ở Bắc Mỹ như giải Baja hay Tropy Truck v.v.. Ông luôn quan sát kỹ những chiếc "Pre-runner" – thuật ngữ chỉ những chiếc xe off-road đã được nâng cấp triệt để theo đúng cách Mỹ: lốp siêu lớn, phuộc nhún cao ngồng và sức mạnh làm hổ thẹn siêu xe đường nhựa.

Những đội đua sử dụng các chiếc pre-runner để khảo sát trước đường đua để tìm và tránh những nguy hiểm tiềm tàng khi họ thực sự tham gia cuộc đua. Được truyền cảm hứng từ những cuộc đua và các chiếc xe đậm chất Mỹ, Jamal Hameedi đã gây ảnh hưởng để tạo ra phiên bản F150 Raptor, một phiên bản tối quan trọng tạo ra sức hút của dòng F150. "Thành công này đã khơi dậy niềm tin trong nội bộ Ford Australia rằng một phiên bản tương đương được phát triển trên chiếc Ranger cũng sẽ đạt được thành công tương tự", Damiel Ross, Giám đốc phát triển xe bán tải của FordAustralia, giải thích.

"Và chúng tôi đã liệt kê ra từng yếu tố tạo ra AND off-road cho dòng F150 Raptor và tìm cách tạo ra chúng cho 1 chiếc Ranger. Đây sẽ là chiếc xe sở hữu khả năng vượt địa hình được lấy cảm hứng từ những chiếc pre-runner", Damiel Ross chia sẻ.

Ford Ranger Raptor là thành quả của "Project Redback", một dự án đầy tham vọng với mục tiêu tạo ra một chiếc "F-150 Raptor cỡ nhỏ". Dự án này là đứa con tinh thần của Damien Ross, với sự hỗ trợ của các kỹ sư Mỹ thuộc chi nhánh xe hiệu suất cao Ford Performance. Dự án bắt đầu từ năm 2013 và kéo dài tới 5 năm.

Trên thực tế, Project Redback không phải là một dự án được lên kế hoạch cụ thể bởi Trung tâm phát triển của Ford Australia. Đó là dự án "ngoài giờ làm" của Damien Ross và Simon Johnson, Kỹ sư Động lực học cấp cao của Ford. Họ tạo ra hai chiếc xe thử nghiệm đầu tiên với tên mã X0 và X1 để nghiên cứu và hoàn thiện ý tưởng Raptor trên nền tảng Ford Ranger thế hệ thứ ba.

Để ý tưởng Ranger Raptor được sản xuất thương mại, hai kỹ sư tài năng của Ford Australia phải lên một kế hoạch tài chính nhằm chứng minh mẫu xe chuyên off-road này sẽ thành công về mặt doanh thu. Tuy nhiên, trước cả khi kế hoạch tài chính được phê duyệt, Damien Ross và Simon Johnson đã bắt đầu tạo ra những nguyên mẫu đầu tiên, mày mò cách "chích" gen F150 Raptor vào một chiếc Rangernhỏ gọn hơn.

Dự án Redback nhận được sự chấp thuận dễ dàng hơn dự kiến của Damien Ross nhờ một may mắn ngẫu nhiên. Ông Raj Nair, cựu Giám đốc Phát triển Dự án của Ford toàn cầu đã có mặt tại Australia đúng lúc chiếc Ranger Raptor nguyên mẫu đầu tiên được hoàn thành. Ngay lập tức, Raj Nair yêu cầu lái thử chiếc xe thú vị này khi nó còn chưa được kiểm tra an toàn. Sau khi cùng Damien Ross lái thử một vòng, Raj Nair rất ấn tượng và nói "Anh đã tìm được chất Raptor rồi đấy".

Cuối cùng, bằng những phép toán tài chính chặt chẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ, Damien Ross và Simon Johnson đã thuyết phục được các nhà lãnh đạo cấp cao của Ford. Kết quả là chiếc Ford Ranger Raptor phiên bản thương mại được chính thức ra mắt thế giới vào ngày 7/2/2018 tại Thái Lan. Không lâu sau đó, những chiếc Ranger lần đầu tiên trở lại thị trường Bắc Mỹ sau nhiều năm vắng mặt. Tất nhiên, phiên bản Ranger Raptor được cho rằng sẽ trình làng trên đất Mỹ trong năm 2020 với động cơ V6 mạnh mẽ hơn bản dành cho thị trường châu Á.

Thiết kế: Điểm 10 cho độ ngầu!

Ranger Raptor sở hữu ngoại hình đầy ấn tượng với mặt ca lăng màu đen tuyền với dòng chữ FORD cực lớn. Tấm cản trước bằng kim loại gắn trực tiếp vào khung xe cũng cứng cáp hơn nhiều so với Ranger tiêu chuẩn. Chi tiết này được bổ sung đèn sương mù LED và các khe hút gió đặc biệt có nhiệm vụ làm mát bộ phanh hiệu suất cao. Cũng giống như F150 Raptor, phần động cơ và hộp số được che chắn bởi những tấm kim loại cực dày dặn, ngăn chặn đá vụn văng lên gây hỏng các bộ phận truyền động. Tuy nhiên, tấm cản trước và sau của Ranger Raptor được làm bằng nhựa chứ không bằng kim loại như đàn anh F150 Raptor.

Nhìn sang thân xe, ta sẽ thấy vòm bánh xe nở rộng và vạm vỡ hơn nhiều so với Ranger thường để cung cấp đủ không gian cho hệ thống treo có hành trình dài hơn và bộ lốp cỡ lớn. Vòm bánh xe cũng được chế tác từ vật liệu composite thay vì bằng nhựa trên Ranger tiêu chuẩn nhằm phục vụ off-road tốt hơn.

Tất cả những thay đổi ngoại thất khiến Ranger Raptor vạm vỡ hơn rất nhiều với kích thước (dài x rộng x cao) lần lượt là 5.398 x 2.180 x 1.873 mm, vệt bánh xe trước/sau ở mức 1.710 mm, rộng hơn Ranger tiêu chuẩn tới 150 mm. Khoảng sáng gầm xe lên tới 283 mm, cao hơn Ranger Wildtrak 50 mm. Các thông số khác cũng rất ấn tượng: góc tới 32,5 độ, góc vượt dốc 24 độ, góc thoát 24 độ.

Bục bước lên xe cũng được thiết kế để ngăn đá văng lên phần thân sau xe. Bộ phận này được chế tạo từ hợp kim nhôm và có thể chịu được trọng lượng 100 kg tác động lên nó 84.000 lần trước khi bị biến dạng. Cả mặt trên và mặt dưới của bục lên xe được sơn nhám 2 lớp nhằm chống trầy xước và mang lại ngoại hình thô ráp, mạnh mẽ hơn cho Ranger Raptor.

Bên trong cabin, chiếc Ranger Raptor được bổ sung nhiều chi tiết đậm chất Ford Performance. Đó là bộ ghế có thiết kế ôm chặt người ngồi để đảm bảo an toàn khi chạy đường địa hình, các đường chỉ khâu màu xanh tương phản với màu đen nội thất và tất nhiên, logo Raptor được thêu nổi bật ở mỗi ghế. Khi đề máy, logo Raptor và dòng chữ Ford Performance hiện lên ở màn hình trung tâm thay vì chỉ mỗi logo Ford thông thường. Cần số được bọc da đẹp hơn bản Wildtrak và 2 lẫy chuyển số sau vô lăng bằng ma-giê cho cảm giác chạm vào tuyệt vời.

Bảng đồng hồ sau vô lăng cũng được lấy cảm hứng từ đàn anh F150 Raptor. Không còn kiểu 2 màn hình LCD kẹp giữa đồng hồ tốc độ dạng cơ, thay vào đó là 1 màn hình LCD ở giữa và 2 đồng hồ cơ ở hai bên. Kim đồng hồ màu đỏ thay vì màu xanh trên Wildtrak, mang lại ấn tượng thể thao cho Ranger Raptor, phần redline ở đồng hồ tua máy cũng mang một màu đỏ rực.

Một chi tiết khác cũng đậm chất Ford Performance là vô lăng bọc da mịn có logo Raptor và một vạch đỏ ở góc 12 giờ rất nổi bật. Chi tiết này giúp người lái dễ dàng xác định hướng vô lăng khi điều khiển chiếc xe ở tốc độ cao. Một điểm khác nữa so với Ranger Wildtrak là nút Mode ở trên vô lăng. Ấn nút này, bạn sẽ chuyển đổi các chế độ lái của Ranger Raptor: đầu tiên là Normal và Sport, những chế độ dùng để đi đường nhựa. Bốn chế độ địa hình còn lại bao gồm Grass/Gravel/Snow – chế độ chạy trên cỏ, sỏi đá và tuyết; Mud/Sand – chế độ chạy trên đường bùn và cát và cuối cùng là – Baja, chế độ giải phóng toàn bộ khả năng off-road của FordRanger Raptor.

Những chiếc ghế ngồi thể thao của Ranger Raptor cũng là một chi tiết "ăn tiền" nữa. Hai ghế phía trước được thiết kế với các tấm đệm ôm người hơn, nhất là 2 phần đệm vai cực dày dặn có tác dụng cố định người bạn khi vào cua ở tốc độ cao. Ghế được chế tác từ da mịn và Alcantara, điểm các chi tiết màu xám và thêu chỉ xanh rất đẹp mắt. Hàng ghế sau cũng mang âm hưởng xe đua giống hàng ghế trước.


Người ngồi sau phải chấp nhận tư thế ngồi thẳng lưng - điểm yếu chung của mọi chiếc xe bán tải cỡ trung

Tuy nhiên, khi xét về vật liệu nội thất thì rõ ràng khoảng chênh giá giữa Raptor và Wildtrak không được dành phần lớn cho nội thất. Phần táp-pi cửa vẫn bằng nhựa cứng vô cùng dễ xước khi va chạm với vật cứng. Ghế hành khách vẫn phải chỉnh tay, không chỉnh điện như ghế lái. Thêm vào đó, Ranger Raptor cũng không có cửa gió điều hòa phía sau mà vẫn giữ ổ điện 230V và 1 cổng 12V. Có thể thấy, số tiền bạn bỏ ra để sở hữu phiên bản Raptor được dành phần lớn cho các bộ phận cơ khí.

Những nâng cấp đậm chất Raptor

Ranger Raptor sở hữu động cơ diesel Eco Blue tăng áp kép, dung tích 2.0 lít hoàn toàn mới. Đây là thành viên đầu tiên trong dải động cơ Panther của Ford, vốn sẽ dần thay thế các động cơ Duratoq. Trên Ranger Raptor, động cơ 2.0L này sản sinh công suất lên tới 213 mã lực và 500 Nm, nhiều hơn động cơ 5 xy-lanh thẳng hàng 3.2L trên Ranger Wildtrak đời cũ (200 mã lực, 470 Nm). Ranger Wildtrak đời mới nhất cũng sở hữu động cơ 2.0 của Raptor nhưng cần lưu ý là động cơ này được phát triển dành cho Raptor, Wildtrak 2019 chỉ "hưởng sái".

Khối động cơ 2.0L hoàn toàn mới này có hiệu năng ấn tượng như vậy là vì được trang bị cổ góp khí nạp lớn hơn và kết cấu tăng áp kép bi-turbo linh hoạt. Kiểu tăng áp lần đầu tiên xuất hiện trong phân khúc xe bán tải cỡ trung này khiến động cơ đạt công suất lớn hơn và giảm thiểu hiện tượng trễ tăng áp.

Hệ thống bao gồm một cụm tăng áp có cánh quạt nhỏ và một cụm tăng áp có cánh quạt cỡ lớn. Ở vòng tua động cơ thấp, cả 2 cụm tăng áp đều hoạt động nhằm tăng sự nhạy bén của động cơ và tăng lực mô-men xoắn ở vòng tua thấp. Ngược lại, ở vòng tua cao thì cụm tăng áp nhỏ gần như không cung cấp thêm công suất cho động cơ, chỉ có cụm tăng áp lớn làm việc. Kết quả là lực mô-men xoắn tối đa được duy trì trong một khoảng vòng tua rộng và hiện tượng trễ tăng áp được giảm đáng kể. Lực mô-men xoắn tối đa 500 Nm đạt được ở tua máy 1.750 - 2.000 vòng/phút.

Một nâng cấp quan trọng không kém là hộp số Getrag 10R80 10 cấp – linh kiện kỹ thuật duy nhất mà Ranger Raptor sử dụng chung với F-150 Raptor. Kỹ sư Ford cho biết dù thiết kế cơ khí hoàn toàn giống với hộp số F-150 Raptornhưng hộp số 10 cấp trên "Tiểu Raptor" đã được tinh chỉnh phần mềm để phát huy tối đa công suất của động cơ 2.0L tăng áp kép.

Việc có tới 10 cấp số khiến chiếc xe tăng tốc tốt hơn và mượt mà hơn so với hộp số 6 cấp. Hộp số 10 cấp của Ranger Raptor được cấu thành bởi các bộ phận bằng thép, nhôm và vật liệu composite để tối ưu cân nặng và độ bền. Lẫy chuyển số trên vô lăng bằng hợp kim ma-giê là trang bị tiêu chuẩn trên chiếc Ford Ranger Raptor.

Điều tạo nên danh tiếng của một chiếc Raptor chính là khả năng off-road. Damien Ross và cộng sự đã nhờ đội Ford Performance ở Mỹ tư vấn để "thổi" chất Raptor vào mẫu Ranger cao cấp nhất. Để xứng đáng với hậu tố "Raptor", Ford Ranger Raptor cần thể hiện khả năng off-road tốc độ cao đi đôi với sự êm ái tuyệt vời trên đường nhựa.

Khung gầm rời hình thang của Ranger Raptor đã được gia cường bằng thép siêu cứng HSLA, các thanh ngang cũng được bổ sung loại vật liệu chuyên chịu lực này. Chưa hết, hệ thống treo cũng được nâng cấp triệt để với 4 thanh giảm chấn "hạng nặng" được Fox Racing Shox phát triển riêng cho Ranger Raptor. Phục vụ hai bánh trước là cặp giảm xóc ống lồng cỡ lớn với kích thước thanh ty phuộc lên tới 46,6 mm. Phía sau, Ranger Raptor sở hữu hai thanh giảm xóc ống lồng đặc biệt, thay thế cho kiểu lá nhíp trên các mẫu Ranger thông thường.

Hệ thống kết nối 2 bên giảm xóc cầu sau vẫn là dạng Watt linkage, cho phép 2 thanh giảm xóc ống lồng phía sau thoải mái di chuyển theo chiều dọc mà không dao động theo chiều ngang quá nhiều. Cả bốn thanh giảm xóc đều có tính năng Position Sensitive Damping, tức là thanh giảm chấn sẽ êm ái khi người lái chọn chế độ lái tiêu chuẩn nhưng khi chọn chế độ off-road, chúng sẽ cung cấp lực giảm chấn mạnh hơn để chinh phục mọi địa hình khó nhất.

Chưa hết, khi giảm xóc ở khoảng giữa hành trình, tức là khi đi đường nhựa với dao động giảm xóc không quá lớn, các thanh giảm chấn hoạt động ở chế độ "mềm", mang lại sự êm ái tương đương xe gầm thấp. Khi đi off-road với dao động giảm xóc lớn, lực giảm chấn sẽ tăng dần khi các thanh giảm chấn tiến đến điểm chết trên hoặc điểm chết dưới, mang đến hiệu năng tuyệt vời khi chạy off-road tốc độ cao.

Chưa hết, bộ la-zăng hợp kim 17 inch đặc biệt còn đi kèm bộ lốp BF Goodrich all-terrain kích thước 285/70. Hệ thống phanh cũng được nâng cấp với cùm phanh 4 pít-tông chia đều cho hai bánh trước. Chúng có kích thước lớn hơn 9,5 mm so với cùm phanh trước của Ranger Wildtrakvà nhiệm vụ của chúng là giữ chặt hai đĩa phanh trước có đường kính lên tới 332 mm. Hệ thống phanh sau bao gồm 2 cùm phanh pít-tông đơn kích thước 54 mm.

Trải nghiệm thuyết phục

Mở đầu hành trình trải nghiệm Ford Ranger Raptor của tôi là một cuộc đua: tôi cầm lái chiếc Raptor, đua trực tiếp với anh Tiến Trần, đương kim vô địch giải Knockout the King 2018. Tôi, một tay mơ chưa từng tham gia một giải đua chính thức nào, đối mặt với một nhà vô địch off-road lừng danh – có kèo đua nào chênh lệch hơn được không???

Thế mà ngay từ những giây đầu tiên khi lá cờ carô phất xuống, tôi đã thấy chiếc Raptor như là một phần của cơ thể mình, không hề lạ lẫm chút nào. Chạy tốc độ cao trên đường đất bụi dường như là lẽ sống của Ranger Raptor, sự đáng tin cậy của nó khiến tôi vô cùng tự tin. Từng pha nhảy dốc, từng lần bẻ cua ở tốc độ cao đều tự nhiên và dễ dàng hơn bao giờ hết. Tôi đạt thành tích 1 phút 46, anh Tiến Trần đạt 1 phút 53. Chắc chắn là anh ấy nhường tôi rất nhiều vì trong ngày trải nghiệm, không ít lần anh chạm mốc 1 phút 39 giây! Dù sao thì trải nghiệm đầu tiên với Ford Ranger Raptor cũng khiến tôi có một ấn tượng mạnh với chiếc xe này.

Ngày thứ 2 của hành trình trải nghiệm, chúng tôi đi thăm mỏ than Đèo Nai tại Cẩm Phả. Một cơn dông lớn chưa từng thấy khiến tầm nhìn tệ đến mức chúng tôi phải tạm dừng xe bên đường đợi ngớt mưa. Đáng tiếc là trong ngày trải nghiệm này, tôi không có cơ hội cầm lái Ranger Raptor mà chỉ đồng hành cùng Ranger Wildtrak. Đúng vậy, có gần 40 phóng viên mà chỉ có đúng 1 chiếc Ranger Raptor nên tôi không thể đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, đi giữa mỏ than Đèo Nai giữa đường bùn trơn trượt và đá lở, chiếc Ranger Wildtrak vẫn cho thấy sự đáng tin cậy cần thiết với chế độ 4H. Chắc chắn với Ranger Raptor, trải nghiệm còn thuyết phục hơn nhiều!

Bước sang ngày thứ 3, tôi và anh đồng nghiệp đã quyết định đăng ký Raptortừ 6h sáng để tận dụng tối đa khoảng thời gian hiếm hoi. Đó quả là một quyết định đúng đắn khi tôi có đủ thời gian để đi phố và chạy tốc độ cao trên đường nhựa với chiếc Ranger Raptor. Muốn lái nhiều hơn? Đơn giản là hãy thức dậy sớm hơn người khác!

Trải nghiệm đi phố với Ford Ranger Raptor tốt hơn tôi mong đợi. Xe cách âm khỏi âm thanh môi trường, tiếng gió và tiếng máy một cách tuyệt vời. Công bằng mà nói thì Wildtrak cũng mang lại trải nghiệm tương đương. Khối động cơ diesel 2.0L mới êm ái đến đáng ngạc nhiên ngay cả khi nổ cầm chừng cũng như khi đạp ga, êm nhất trong phân khúc xe bán tải nửa tấn. Điều gây ấn tượng nhất với tôi là chiếc Ranger Raptor có rất ít tiếng ồn lốp ở cả tốc độ thấp và cao, mặc dù xe được trang bị lốp BF Goodrich KO2 đậm chất off-road với các vân lốp cực dày và sâu. Đây là điểm cộng đối với những ai thường xuyên đi xa trên chiếc Ranger Raptor.

Tuy nhiên, hộp số 10 cấp vẫn cho cảm giác "tiết kiệm" hơn là "hiệu suất cao". Nếu không sử dụng lẫy chuyển số, hộp số này luôn có thiên hướng lựa chọn cấp số cao để tiết kiệm nhiên liệu, đôi khi là quá tiêu cực. Ngay cả khi chuyển sang chế độ Sport, phản ứng của hộp số với thao tác trên lẫy chuyển số vẫn có một độ trễ nhất định nên phần nào giảm độ hưng phấn khi cầm cương chiếc Raptor. Đây là vấn đề mà tôi cũng gặp phải trên chiếc Ford Mustang GTcũng sử dụng hộp số 10 cấp này.

Cảm giác vô lăng cũng là thứ tôi chưa thỏa mãn với Ranger Raptor. Vô lăng nhẹ hơn tôi mong đợi, nhất là ở chế độ Off-road. Đó là điều khác biệt với "anh cả" F150 Raptor - tôi đã lái chiếc F150 Raptor chỉ 1 ngày trước khi ôm vô lăng Ranger Raptor. Chuyển sang chế độ Sport, vô lăng nặng hơn, chính xác hơn nhưng vẫn không cung cấp nhiều cảm giác mặt đường, thứ rất cần thiết để chạy off-road hay chỉ đơn giản là điều khiển chiếc xe rộng hơn 2 mét này giữa phố đông. Bù lại thì cảm giác chân ga rất nhạy và mượt mà, dù khối động cơ 2.0L cho cảm giác đề pa ít "dính ghế" hơn cỗ máy I5 3.2L của Wildtrak cũ. Chỉ khi đạt tốc độ trên 40 km/h, chiếc Ranger Raptor mới thực sự tỉnh giấc.

Đúng vậy, càng chạy ở tốc độ cao, chiếc xe càng linh hoạt, và sự tự tin của tôi càng lên cao. Hệ thống treo Fox Racing Shox rõ ràng là nâng cấp đáng kể nhất của Raptor so với Wildtrak. Nó mang đến sự cân bằng tuyệt vời trên đường nhựa và độ bám đường cũng như kiểm soát thân xe hoàn hảo trên đường địa hình. Bạn có thể bỏ hàng chục triệu đồng để độ những bộ giảm xóc tốt hơn cho Wildtrak, ví dụ như BP51, nhưng chúng không thể hoạt động tốt như một thể thống nhất giống như chiếc Raptor với hệ thống treo Fox.

Kết luận

Ford Ranger Raptor là chiếc xe được độ từ nhà máy, được tinh chỉnh để mang lại hiệu năng đỉnh cao cả trên đường nhựa cũng như đường địa hình. Nó không chỉ đơn thuần là tập hợp của các linh kiện hiệu suất cao – khả năng của Ranger Raptor lớn hơn nhiều so với tập hợp của những bộ phận đắt tiền. Bạn có thể bỏ ra hàng trăm triệu để độ Wildtrak nhưng rất khó để tạo ra 1 chiếc xe có hiệu năng giống hệt Ranger Raptor. Như vậy, Ranger Wildtrak sẽ rất phù hợp nếu như bạn cần một chiếc xe bán tải có hiệu năng tốt, giá bán hợp lý, còn Ranger Raptor là chiếc xe bán tải hiệu suất cao cỡ trung tốt nhất mà bạn có thể mua ở thời điểm hiện tại.

Điểm: 8.5/10

Ưu điểm:

- Khả năng off-road đỉnh cao
- Thiết kế ấn tượng
- Trải nghiệm tốt trên đường nhựa

Nhược điểm:

- Giá cao hơn nhiều so với Ranger Wildtrak
- Nhiều chi tiết nhựa chưa tương xứng giá bán
- Hộp số hơi trễ

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)    

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget